Khánh Hòa: Giải quyết bài toán nhân lực ngành Du lịch “cần sự chung tay”

Cập nhật:05/03/2018 10:25:43
Ngành Du lịch Khánh Hòa đang phát triển mạnh mẽ. Số lượng cơ sở dịch vụ lưu trú, lượng khách ngày càng tăng, kéo theo nhu cầu nhân lực của các doanh nghiệp (DN) tăng theo, trong khi các cơ sở đào tạo trên địa bàn chưa đáp ứng được nhu cầu.

Nhu cầu lao động lớn

Năm 2018, ngành Du lịch Khánh Hòa đặt mục tiêu đón 6,5 triệu lượt khách, tăng 19,3% so với năm 2017, trong đó khách quốc tế 2,8 triệu lượt. Tính đến đầu năm 2018, trên địa bàn tỉnh có 664 cơ sở lưu trú du lịch với 29.400 phòng, trong đó có 15.069 phòng 3 - 5 sao. Tổng số lao động trực tiếp trong ngành Du lịch khoảng 28.000 người. Theo đánh giá của các chuyên gia du lịch, tuy đã tốt hơn nhiều địa phương khác, nhưng chất lượng nhân lực của ngành Du lịch Khánh Hòa vẫn còn nhiều hạn chế, nhất là trình độ ngoại ngữ. Ông Trần Việt Trung - Giám đốc Sở Du lịch cho biết, cuối tháng 10-2017, sở đã khảo sát nhanh về nhu cầu đào tạo ngoại ngữ ở 34 DN (25 DN cơ sở lưu trú và 9 DN lữ hành), với tổng số 3.700 lao động, kết quả cho thấy có đến 1.700 lao động (45,9%) có nhu cầu đào tạo lại.


Khách du lịch sử dụng dịch vụ ẩm thực tại nhà hàng Crystal Kitchen (TP. Nha Trang).

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phát triển du lịch Khánh Hòa mới đây, đại diện Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, từ nay đến năm 2020, Khánh Hòa cần khoảng 20.000 lao động mới để làm việc trong ngành Du lịch. Tuy nhiên, đến nay, trên địa bàn tỉnh chỉ có 4 trường đại học có khoa du lịch và 7 trường cao đẳng, trung cấp, trung tâm có đào tạo nghề du lịch. Mỗi năm, các cơ sở này đào tạo các lĩnh vực liên quan đến nghề du lịch cho khoảng 5.000 sinh viên, học viên. Con số này mới chỉ đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu thực tế. Đó là chưa kể đến những người đang làm việc trong ngành Du lịch có nhu cầu đào tạo lại để nâng cao trình độ nghiệp vụ và ngoại ngữ.

Vì cung chưa đủ cầu nên việc tuyển dụng lao động trong ngành Du lịch rất khó khăn. Các DN sau khi tiếp nhận thường phải đào tạo lại thì mới có thể sử dụng. Việc khan hiếm lao động đã dẫn đến tình trạng người lao động “nhảy việc” khi có cơ sở mới ra đời, khiến chất lượng nguồn nhân lực trong các công ty thiếu sự ổn định.

Đẩy mạnh liên kết giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp

Thực tế cho thấy, lâu nay, mối quan hệ giữa các cơ sở đào tạo và DN vẫn còn khá lỏng lẻo, thiếu tính thực tiễn. Chính vì vậy, nguồn nhân lực quản lý trung và cao cấp còn hạn chế về năng lực lãnh đạo. Nguồn nhân lực sơ cấp thì kiến thức và kỹ năng nghề chưa đủ để đáp ứng nhu cầu thực tế, hệ quả là họ thiếu tự tin khi bắt tay vào việc. Ông Nguyễn Văn Thành - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Nha Trang - Khánh Hòa cho rằng, các cơ sở đào tạo cần phải kết nối với DN. Trong đó, các DN cần tạo điều kiện cho sinh viên thực tập hoặc làm việc bán thời gian. Điều này vừa giải quyết vấn đề thiếu nguồn nhân lực cho DN, vừa giúp sinh viên được tiếp xúc với thực tế công việc. Muốn vậy, giữa nhà trường và DN cần có hợp đồng đào tạo theo nguyên tắc đặt hàng, đào tạo theo nhu cầu. Thực tế, nhiều trường đã thực hiện vấn đề này, nhưng số lượng vẫn còn hạn chế và mức độ hợp tác cũng còn nhiều điều cần phải bàn.

Liên quan đến vấn đề này, đồng chí Trần Sơn Hải - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho biết, trong thời gian tới, quy mô hoạt động du lịch của tỉnh sẽ tăng nên đòi hỏi một lượng lớn nguồn nhân lực trong lĩnh vực này. Nếu từ bây giờ không tìm giải pháp tháo gỡ, nguy cơ khủng hoảng nguồn lao động du lịch sẽ hiện hữu; việc không đảm bảo chất lượng nguồn nhân lực sẽ dẫn tới sản phẩm du lịch của Khánh Hòa bị mất thương hiệu. Đồng chí giao Sở Du lịch phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nghiên cứu, tìm các giải pháp để đẩy mạnh việc đào tạo nhân lực du lịch, nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực du lịch nhằm đáp ứng nhu cầu lao động của ngành.

Theo bà Nguyễn Thị Lệ Thanh - Phó Giám đốc Sở Du lịch: Để nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực du lịch, cần phải xác định, thống nhất tiêu chí, tiêu chuẩn trong tổ chức đào tạo và phát triển nguồn nhân lực du lịch; rà soát năng lực đào tạo, tái cơ cấu mạng lưới các cơ sở đào tạo du lịch, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, giảng viên trong các cơ sở đào tạo. Bên cạnh đó, các ngành cần quan tâm đổi mới chương trình đào tạo theo hướng tiếp cận với khu vực và thế giới, gắn kết giữa đào tạo lý thuyết và kỹ năng thực hành nghề, kinh nghiệm thực tiễn và kỹ năng xử lý công việc chuyên môn. Đặc biệt, tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan quản lý nhà nước, DN và nhà trường trong triển khai xây dựng hành lang pháp lý cho công tác đào tạo; phối hợp chặt chẽ trong tổ chức quản lý chất lượng nguồn nhân lực từ đầu vào, đầu ra và giám sát chất lượng nguồn nhân lực trong suốt quá trình đào tạo và sử dụng nhân lực. DN cần được xác định vai trò quan trọng trong quá trình tổ chức đào tạo, tham gia quá trình tổ chức đào tạo với các cơ sở đào tạo để đảm bảo chất lượng đào tạo phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Thời gian tới, Sở Du lịch sẽ phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, các địa phương rà soát, lên kế hoạch đào tạo lại, nâng cao trình độ ngoại ngữ, nghiệp vụ cho nhân viên các cơ sở du lịch.

Thiết nghĩ, để giải quyết bài toán nhân lực du lịch của tỉnh cần có chiến lược dài hơi, có sự chung tay của nhiều ngành. Trong đó, bên cạnh vai trò của các ngành: Du lịch, Giáo dục, Lao động - Thương binh và Xã hội, các địa phương cần phải tăng cường tuyên truyền đẩy mạnh việc phân luồng học sinh, khuyến khích học sinh học nghề để phục vụ ở các cơ sở du lịch trên địa bàn.

Xuân Thành

Nguồn: baokhanhhoa.vn