Để Quy Nhơn trở thành điểm đến của du khách quốc tế

Cập nhật:12/03/2018 10:10:37
Nhằm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, ngành Du lịch Bình Ðịnh đang nỗ lực về nhiều mặt, trong đó có hoạt động thu hút khách quốc tế. Dưới đây là ý kiến của TS Trần Du Lịch - thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, Ủy viên thường trực Hội đồng tư vấn phát triển tỉnh Bình Ðịnh - về việc cần làm gì để Quy Nhơn trở thành điểm đến của khách du lịch quốc tế.


Khách DL tàu biển lên bờ tham quan Quy Nhơn

* Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch của Bình Định?

- Thế mạnh du lịch (DL) biển đảo gắn với văn hóa - lịch sử của tỉnh là dư địa rất lớn cho phát triển DL. Bình Định có bờ biển dài 134 km, được thiên nhiên ban tặng nhiều danh thắng và bãi tắm đẹp, hầu hết còn khá nguyên sơ. Bình Định có bề dày truyền thống lịch sử - văn hóa lâu đời, một kho tàng vô giá, cả về văn hóa vật thể lẫn văn hóa phi vật thể; có hệ thống các quần thể di tích gắn liền với nhiều danh nhân văn hóa - lịch sử nổi tiếng. Bình Định được mệnh danh là “Miền đất võ”, là cái nôi của nghệ thuật tuồng, bài chòi, cùng nhiều lễ hội đặc sắc; có nhiều làng nghề truyền thống cùng văn hóa ẩm thực hết sức độc đáo.

Quy Nhơn là một trong những cửa ngõ giao thương quốc tế của vùng duyên hải miền Trung hướng ra Thái Bình Dương; kết nối các tỉnh Tây Nguyên và giao lưu kinh tế với 4 nước tiểu vùng sông Mêkông (Myanmar, Thái Lan, Lào và Campuchia) thông qua các trục của hành lang kinh tế Đông Tây. Hệ thống cơ sở hạ tầng tuy chưa hoàn thiện nhưng đã có điều kiện để phục vụ phát triển DL với sân bay Phù Cát đang được nâng cấp, đưa vào hoạt động trong năm 2018 này và sẽ trở thành cảng hàng không quốc tế vào năm 2020. Tuyến đường sắt Bắc - Nam đi qua Bình Định với ga đầu mối Diêu Trì.

Cảng biển Quy Nhơn và tiềm năng xây dựng cảng biển mới ở bán đảo Phương Mai sẽ là nền tảng để phát triển loại hình DL đường biển. Việc xây dựng đường bộ nối Cảng hàng không Phù Cát với Khu kinh tế Nhơn Hội sẽ tạo sự đột phá phát triển chuỗi resort và khách sạn ở khu vực bán đảo Phương Mai. Nơi đây sẽ trở thành điểm đến nổi trội của DL Bình Định.

* Bên cạnh những lợi thế, DL Bình Định còn những hạn chế, thách thức nào cần khắc phục, vượt qua để phát triển xứng tầm?

- Trong những năm qua, Bình Định đã có nhiều nỗ lực khai thác các tiềm năng, lợi thế nhằm tập trung phát triển DL tại địa phương. Kết quả là đã có sự chuyển mình mạnh mẽ về cơ sở hạ tầng phục vụ DL, hệ thống doanh nghiệp DL, các điểm đến, khu nghỉ dưỡng, khách sạn cũng như các loại hình DL đa dạng… Tuy nhiên, để Quy Nhơn - Bình Định trở thành điểm đến của khách DL quốc tế, để ngành DL Bình Định trở thành ngành kinh tế quan trọng vẫn đang là những thách thức rất lớn.

Tỉnh chưa tạo được làn sóng thu hút đầu tư vào ngành DL. Ngoại trừ nhà đầu tư FLC, đến nay chưa có dự án đầu tư DL có ý nghĩa đi vào hoạt động. Sản phẩm DL chưa phong phú. Thời gian lưu trú và mức chi tiêu bình quân của khách DL khi đến Bình Định còn thấp, chưa khai thác hết tiềm năng thu hút khách DL. Hoạt động kinh doanh lữ hành còn yếu, chưa chủ động được các nguồn khách, đặc biệt là các thị trường tiềm năng (Nga, Nhật, Hàn Quốc…). Ngành DL tỉnh nhà cũng thiếu hụt nguồn nhân lực DL chất lượng cao, nhất là đội ngũ quản lý, lực lượng sử dụng các ngoại ngữ khác ngoài tiếng Anh. Ý thức của người dân và du khách trong việc bảo vệ môi trường biển, các điểm DL chưa cao…

* Vậy cần làm gì để khắc phục những hạn chế nói trên, gắn với mục tiêu phát triển DL thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh; đồng thời thu hút mạnh mẽ khách DL quốc tế, thưa ông?

-  Chúng tôi cho rằng, cần thực hiện một số giải pháp sau:

Thứ nhất, cần xác định Quy Nhơn là điểm đến cho DL Bình Định để xây dựng và quảng bá thương hiệu trong nước và quốc tế. Bất luận sản phẩm DL ở đâu trên địa bàn tỉnh Bình Định đều được quảng bá chung là “DL Quy Nhơn”. Lựa chọn và quảng bá khoảng 100 sản phẩm DL tiêu biểu của Quy Nhơn (bao gồm các điểm lưu trú, tham quan, giải trí, ẩm thực, mua sắm…). Tập trung xây dựng hình ảnh Bình Định là một điểm đến an toàn, thân thiện mang lại sự dễ chịu, thoải mái cho khách DL; đầu tư hơn nữa hệ thống cây xanh, vệ sinh môi trường trên bờ biển và trong TP Quy Nhơn.

Thứ hai, trên cơ sở điều chỉnh quy hoạch, cần sớm thu hút đầu tư phố đi bộ mua sắm, ẩm thực, dịch vụ văn hóa… đường Xuân Diệu và cả vịnh Quy nhơn. Toàn bộ mặt tiền vịnh Quy Nhơn phải trở thành điểm đến không thể thiếu vào buổi tối của du khách. Nơi đây cần được đầu tư tạo ra sản phẩm DL khác biệt, đặc sắc.

Thứ ba, đẩy nhanh tiến độ đầu tư đường nối cảng hàng không Phù Cát với Khu kinh tế Nhơn Hội; đồng thời tạo điều kiện cho nhà đầu tư triển khai nhanh các dự án DL nghỉ dưỡng nối tiếp với khu FLC nhằm tạo ra chuỗi resort và khách sạn ven biển. Trên địa bàn này ngoài sản phẩm DL biển cần khai thác mạnh DL golf và MICE.

Thứ tư, tổ chức xúc tiến DL khu vực Đông Bắc Á, bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc… Tăng cường xây dựng các chương trình quảng bá giới thiệu các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử nổi tiếng, nét đặc trưng văn hóa của DL Bình Định trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Thứ năm, đẩy mạnh xúc tiến mở thêm các đường bay trực tiếp từ các thị trường tiềm năng về với Bình Định, đặc biệt là thị trường Nga hoặc các thị trường Đông Bắc Á. Mở và tăng thêm các chuyến bay từ thị trường trong nước tạo điều kiện thu hút khách trực tiếp đến và tăng thời gian lưu trú của du khách…

* Xin cảm ơn ông!

Nguồn: Báo Bình Định