Ramsar Tràm Chim quyến rũ vào mùa nước nổi

Cập nhật:26/10/2018 16:53:29
Sở hữu một khu rừng đặc dụng với hệ sinh thái đất ngập nước đặc thù, Vườn quốc gia Tràm Chim ở huyện Tam Nông (Đồng Tháp) từ lâu đã nổi tiếng là “ốc đảo xanh” với cảnh quan thiên nhiên quyến rũ, trở thành khu Ramsar thứ tư của Việt Nam, thứ 2.000 của thế giới. Hệ sinh thái của vùng được mệnh danh là "Đồng Tháp Mười thu nhỏ" càng trở nên đặc biệt đa dạng hơn vào mùa nước nổi (từ tháng 8-11 âm lịch).

 Trải nghiệm "một ngày làm ngư dân" tại vườn quốc gia Tràm Chim ở huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp

Ốc đảo đa màu

Tận dụng lợi thế mùa nước nổi, ngành du lịch tỉnh Đồng Tháp khai thác du lịch trải nghiệm mùa nước nổi tại Vườn quốc gia Tràm Chim với nhiều dịch vụ hấp dẫn. Tại đây, du khách có thể đắm mình vào thiên nhiên, trải nghiệm làm ngư dân, ngắm chim mùa sinh sản, thưởng thức những món ăn, thức uống đặc sản miền sông nước..

Giám đốc Khu du lịch Tràm Chim Lê Hoàng Long cho biết, Vườn có tổng diện tích tự nhiên 7.313 ha, với thảm thực vật phong phú gồm hơn 130 loài thực vật bậc cao; hệ chim nước có 231 loài; thủy sản 130 loài cá nước ngọt; 185 loài thực vật nổi; 93 loài động vật nổi; 90 loài động vật đáy…

Theo ông Lê Hoàng Long, từ tháng 9 - 12 (tức từ tháng 8-11 âm lịch), là mùa du lịch của Vườn quốc gia Tràm Chim. Với khung cảnh đẹp và thêm vào đó là nguồn sản vật nội đồng theo con nước về cũng trở nên dồi dào, phong phú. Theo thống kê, 9 tháng năm 2018, nơi đây thu hút hơn 66 nghìn lượt khách, trong đó khách nội địa chiếm 98,7%; doanh thu đạt hơn 6,7 tỷ đồng (tăng 28% so với cùng kỳ năm trước).
Để giúp du khách trải nghiệm thực tế, Vườn Quốc gia Tràm Chim tổ chức tour du lịch quanh Khu A1 bằng phương tiện thủy hoặc bộ. Du khách được tham quan nhà trưng bày trứng và cá nước ngọt - bảo tàng cá đầy đủ và duy nhất của vùng Đồng bằng sông Cửu Long; lên đài vọng cảnh dừng chân cao 20 m ngắm toàn cảnh đầm sen, rừng tràm…

Chị Ung Thị Gia Mơ - hướng dẫn viên du lịch Vườn quốc gia Tràm Chim cho biết, các lung sen, đầm năng là nơi quy tụ hàng chục loài chim nước sinh sống, làm tổ quanh năm như trích mồng đỏ, cồng cộc, le le, diệc, vịt trời…

Theo chị Mơ, mùa nước nổi cũng là mùa đẹp nhất, độc đáo nhất trong năm của khu Ramsar, với sắc hồng của cánh đồng hoa sen và điểm xuyến trên nền tràm xanh tươi bát ngát là hàng chục nghìn cánh cò trắng tạo thành một khung cảnh tuyệt vời. Thỉnh thoảng, vài con trích mồng đỏ cất tiếng gáy kèm theo những vũ điệu tuyệt đẹp; vài chú cồng cộc liệng mặt sông đớp cá... Tất cả hòa vào một bức tranh có cả sắc lẫn âm, được thu vào tầm mắt của du khách khi đặt chân đến đây.

Ngoài ra, Tràm Chim mùa này còn được biết đến là sân chim sinh sản, nơi tập trung các loài chim như cồng cộc, điên điển, cò ốc, cò trắng và nhiều loài chim quý hiếm khác. Khu vực này thuộc phân khu A2 có diện tích 2-3ha, nằm cách Trung tâm Du lịch của Vườn khoảng 6km. Qua nhiều hình thức di chuyển và đảm bảo theo yêu cầu của hướng dẫn viên, du khách được len lỏi vào lõi rừng tràm để tận mắt chứng kiến sự sinh sôi nảy nở của các loài chim, trung bình trên mỗi cây tràm có từ 4-6 tổ, mỗi tổ có từ 2-4 con chim non hoặc trứng.

Theo ông Nguyễn Hoàng Minh Hải - Trưởng phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế Vườn quốc gia Tràm Chim, hàng năm vào khoảng từ tháng 8 - 12, các đàn chim từ các nơi bắt đầu bay về làm tổ. Hiện tượng này xuất hiện từ năm 2007 nhưng đến năm 2013, Trung tâm mới bắt đầu đưa vào khai thác du lịch có kiểm soát. Hơn 5 năm qua, bãi chim sinh sản đã trở thành điểm tham quan lý thú, hấp dẫn du khách, nhất là những du khách yêu thiên nhiên, thích nghiên cứu, khám phá.

Để tránh tác động tiêu cực đến hoạt động sinh sản tự nhiên, ban quản lý Vườn đã tăng cường công tác bảo vệ, tuần tra, bảo tồn khu vực này với nhiều hình thức như: thả thêm một số loài cá để làm thức ăn thu hút các đàn chim từ nơi khác bay về làm tổ, sinh sản. Đồng thời, thành lập các tổ cứu hộ chim non, kịp thời đưa những chú chim non bị gió thổi rơi về tổ an toàn... Mục đích là nhằm giữ chân các loài chim bay về trú ngụ sinh sản lâu dài, giữ nét thiên nhiên hoang sơ đặc trưng của nơi đây.

Trở thành dân miền Tây "chính hiệu"

Đến Vườn quốc gia Tràm Chim, du khách không chỉ đơn thuần hòa mình vào khu sinh thái với "trường học thực tế" có các lớp học về hệ sinh thái tràm, cỏ năng, động vật... Hơn thế, đây còn là dịp để trải nghiệm trở thành dân miền Tây "chính hiệu".

Giám đốc Khu du lịch Tràm Chim Lê Hoàng Long cho biết, mặc dù loại hình tham quan mùa nước nổi tại Tràm Chim mới chỉ được đưa vào khai thác trong thời gian gần đây, nhưng được xem là "đặc sản" của Đồng Tháp. Trong đó, các dịch vụ trải nghiệm mùa nước nổi được thực hiện nhằm góp phần đa dạng sản phẩm du lịch, thu hút khách tham quan, nâng cao chất lượng phục vụ du khách. Ngoài việc tham quan đơn thuần, trải nghiệm sẽ là một hình thức tạo điều kiện cho du khách có thể hòa mình vào cuộc sống người dân và tự tay thực hiện công việc sinh kế miền sông nước, để cảm thụ những giá trị về tinh thần hơn.

Không gian dành cho dịch vụ trải nghiệm làm ngư dân sẽ được thực hiện tại trạm C4 (khu A1), đài quan sát 3 (khu A1) và trạm Kênh số 1 (khu A2) của Vườn quốc gia Tràm Chim, với diện tích trải nghiệm là 130ha. Ngư cụ du khách được sử dụng gồm câu, lưới, lọp, lờ, trúm lươn và bẫy chuột. Mỗi du khách được lựa chọn tối đa 3 loại ngư cụ để sử dụng cho một lần trải nghiệm dưới sự hướng dẫn của người dân địa phương. Đặc biệt, nếu có nhu cầu, khách du lịch có thể kết hợp ngủ trong rừng trên sàn vạc tre hoặc bằng võng để biết cảm giác một đêm giữa "rừng thiên nước bạc".

Dẫn đoàn người thân từ Đài Loan đến Tràm Chim trải nghiệm, chị Huỳnh Thị Thanh Tuyền ngụ quận Bình Tân, Thành phố Hồ Chí Minh cho hay: Quê gốc của chị ở huyện Lấp Vò (Đồng Tháp) nhưng sống xa quê từ nhỏ nên chị quên dần các công việc mưu sinh trong mùa nước nổi. Vì vậy, khi được tự tay đặt từng ống trúm bắt lươn, giăng từng đoạn lưới, cắm từng cần câu bắt cá, chị cảm thấy thật tuyệt vời.

Ngoài phạm vi của Vườn, khu du lịch Tràm Chim còn liên kết với các homestay và các hộ làm nghề nuôi ong lấy mật, làng khô (xã Phú Thọ), làng kiệu (xã Phú Hiệp)... ở các vùng đệm để khách du lịch có thể trải nghiệm lối sống của người miền Tây sông nước một cách chân thật nhất.

Chị Bùi Thị Cẩm Hồng đến từ quận 5 (Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, thay vì chọn khách sạn, chị đã chọn nhà ở của người dân địa phương làm điểm dừng chân, để cùng ăn, ở, sinh hoạt với người dân nhằm khám phá văn hóa bản địa trong cuộc hành trình về miền Tây. Chị Bùi Thị Cẩm Hồng chia sẻ: Với mức giá thuê nhà ở từ 150.000 đồng - 250.000 đồng/người/ngày và có thể thưởng thức các món ăn đặc trưng của vùng quê như canh chua cá lóc, cá linh…; cá rô đồng kho tộ; cá lóc nướng trui gói lá sen non; lẩu lươn; lẩu cá đồng… là điều rất tuyệt vời.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nguyễn Văn Dương cho rằng, Vườn quốc gia Tràm Chim là một hệ sinh thái tiêu biểu của vùng Đồng Tháp Mười thu nhỏ, một vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế. Vì vậy theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, cần gắn việc khai thác du lịch với công tác bảo tồn đa dạng sinh học của Vườn một cách hiệu quả. “Nếu không biết khai thác tiềm năng du lịch sinh thái một cách hợp lý dễ dẫn đến suy thoái và phá hủy hệ sinh thái tự nhiên, bởi hoạt động du lịch sinh thái có mối quan hệ qua lại mật thiết với môi trường tự nhiên. Trước khi đưa vào phục vụ du khách, mỗi năm, đơn vị cần tiến hành khảo sát và phân khu các khu vực với tiêu chí hàng đầu là: không đặt nặng vấn đề hút khách mà bỏ qua bảo tồn, không khai thác tràn lan dẫn đến phá vỡ hệ sinh thái”, ông Nguyễn Văn Dương nhấn mạnh.

Nguồn: Báo Tin tức/TTXVN