Du lịch Việt Nam: Đón đầu các sự kiện lớn

Cập nhật:17/01/2020 14:56:36
Ngành du lịch vừa trải qua một năm nhiều dấu ấn, được Chính phủ ghi nhận là có bước phát triển vượt bậc. Đây cũng là cơ sở để ngành thực hiện nhiệm vụ mà Chính phủ giao, đó là phải trở thành một trong 30 quốc gia có sức cạnh tranh về du lịch nhất thế giới.

Khách quốc tế đến Việt Nam tăng nhanh

Tại Hội nghị tổng kết ngành văn hóa, thể thao và du lịch năm 2019, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam một lần nữa nhấn mạnh, du lịch trong những năm qua đã có nhiều bước phát triển vượt bậc. Chỉ mới đến năm 2015, ngành du lịch đã hoàn thành nhiệm vụ mà Chiến lược phát triển ngành du lịch giai đoạn 2011 – 2020 đề ra. Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, nhiệm vụ mà Chiến lược phát triển ngành du lịch năm 2011 – 2020 đặt ra là đón 10 triệu lượt khách du lịch quốc tế vào năm 2020. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, Việt Nam đã hoàn thành gần gấp đôi chỉ tiêu đề ra.

Với đà tăng trưởng năm 2019, 2020, ngành du lịch đặt mục tiêu đón 20,5 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 90 triệu lượt khách nội địa, hoạt động du lịch đóng góp vào 10% GDP. Nhiệm vụ đề ra trong năm 2020 dù được tính toán kỹ lưỡng dựa trên nền tảng vững chắc đã đạt được, song vẫn được cho là hết sức nặng nề, với nhiều thử thách đang đón chờ.

Trước thực tế trên, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch – ông Nguyễn Trùng Khánh - cho biết, ngành du lịch cần phải nỗ lực hơn nữa, tiếp tục đẩy mạnh hợp tác với các bên liên quan, trong đó phải huy động nguồn lực, nâng cao hiệu quả các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch.

Bên cạnh các giải pháp tổng thể, theo lãnh đạo ngành du lịch, toàn ngành cần triển khai vào các nhiệm vụ trọng tâm như: Tăng cường ứng dụng công nghệ số trong xúc tiến du lịch; tiếp tục nâng cấp website xúc tiến, khai thác mạng xã hội; phát triển các nền tảng số về di sản, sản phẩm, điểm đến du lịch và các ứng dụng phục vụ du khách và công tác quản lý du lịch; triển khai các hoạt động và sử dụng hiệu quả Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch; đa dạng hóa các phương thức xúc tiến theo hướng đẩy mạnh hợp tác công – tư, liên kết các bộ, ngành như ngoại giao, hàng không, công thương.

Đặc biệt, năm 2020, việc Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN chính là cơ hội thuận lợi để tăng cường thực hiện các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch tới các thị trường tiềm năng trong khu vực; gia tăng hợp tác quốc tế để trao đổi kinh nghiệm trong công tác quản lý, khai thác các tiềm năng, thế mạnh phát triển du lịch theo hướng ngành kinh tế mũi nhọn; tăng cường giao lưu văn hóa giữa các quốc gia qua đó nhằm lan tỏa hơn nữa văn hóa, đất nước, con người Việt Nam đến với bạn bè quốc tế. Ngoài ra, 2020 là năm có hàng loạt sự kiện lớn để ngành du lịch có thể nắm bắt cơ hội quảng bá, thu hút nhiều dòng khách tiềm năng như đua xe công thức 1 lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam vào tháng 4/2020.

Trước các cơ hội đang tới, ông Nguyễn Trùng Khánh cho biết thêm, ngành du lịch sẽ tiếp tục tập trung đổi mới công tác xúc tiến, quảng bá du lịch. Đặc biệt chú trọng vào các thị trường còn nhiều tiềm năng tăng trưởng như: Ấn Độ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Đông Nam Á; khai thác các thị trường xa, chi tiêu cao, lưu trú dài ngày ở Tây Âu, Bắc Mỹ, Nga…

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam: Việt Nam đang có rất nhiều lợi thế về phát triển du lịch, đó là văn hóa, con người, cảnh quan thiên nhiên…

Hoa Quỳnh

Nguồn: Báo Công Thương