Ðiện Biên Phủ: Cần mô hình phù hợp thực tế

Cập nhật:14/10/2020 14:51:48
Phát triển kinh tế ban đêm không còn là khái niệm mới, nhất là với những khu du lịch, thành phố lớn trong cả nước. Ðây được xem là điểm nhấn thú vị cho người dân bản địa, du khách từ nơi khác đến và cũng là “mỏ vàng” cho địa phương khai thác. Tuy nhiên ở phố núi Ðiện Biên Phủ thì cuộc sống về đêm vẫn còn khá đơn điệu, không có nhiều các hoạt động vui chơi, giải trí và chưa xứng tầm với tiềm năng du lịch của địa phương.
Một góc phố kinh doanh đồ uống gần Quảng trường 7-5, TP. Ðiện Biên Phủ.
 
“Mỏ vàng” bị lãng quên
 
Nếu là du khách đến Ðiện Biên, sau khi kết thúc một ngày tham quan trải nghiệm, buổi tối thường phải “đi ngủ sớm”. Bởi lẽ, hoạt động kinh tế ban đêm của TP. Ðiện Biên Phủ còn rất hạn chế, chưa xứng tầm với tiềm năng du lịch hiện nay. Theo thống kê, TP. Ðiện Biên Phủ có hơn 5.000 hộ kinh doanh thương mại dịch vụ. Lĩnh vực dịch vụ ăn uống trên địa bàn thành phố cũng phát triển mạnh với 36 nhà hàng và 419 cơ sở ăn uống vừa và nhỏ, doanh thu đạt 314 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, các hoạt động vui chơi, giải trí về đêm như ăn uống, mua sắm bước đầu hình thành, chủ yếu tập trung tại khu vực Quảng trường 7/5 và các tuyến đường Võ Nguyên Giáp, Trường Chinh… mới chỉ phần nào đáp ứng nhu cầu của người dân và khách du lịch. Các hoạt động này hầu hết là tự phát, ít các chương trình vui chơi giải trí, chưa hấp dẫn được khách du lịch. Vì vậy, có một thực tế là du khách đến với Ðiện Biên mới chỉ chi tiêu chủ yếu ở các hoạt động ăn uống, vui chơi ban ngày, còn khi màn đêm buông xuống họ vẫn phải đặt câu hỏi đi đâu, ăn gì, chơi gì cho khỏi lãng phí chuyến du lịch?
 
Mới có bạn ở Hà Nội lên chơi dịp cuối tuần, anh Nguyễn Quốc Tùng, phường Tân Thanh (TP. Ðiện Biên Phủ) không khỏi băn khoăn vì chương trình đón tiếp chưa được như dự kiến. Anh Tùng chia sẻ: “Ban ngày thì có thể dẫn bạn đi tham quan tại các điểm di tích lịch sử, trải nghiệm nét văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc Thái ở các bản văn hóa hoặc đi tắm suối khoáng nóng…  Nhưng tối đến thì… chịu! Cơm tối xong chỉ biết đi hát karaoke hoặc tìm quán nước nào ngồi nói chuyện cho đến giờ ngủ chứ chả biết dẫn bạn đi đâu. Tại các trung tâm du lịch, các thành phố lớn, như: Hà Nội, Quảng Ninh, Sa Pa… đều có những sản phẩm du lịch về đêm rất đa dạng. Các khu chợ đêm, các hoạt động biểu diễn nghệ thuật luôn sôi động khiến cho mọi người cảm thấy ấn tượng. Nhiều nơi còn tạo cho du khách cảm giác như thành phố không bao giờ ngủ… Biết là Ðiện Biên còn phải phát triển rất nhiều mới có thể so sánh với các khu du lịch, các thành phố lớn nhưng tôi mong có thêm nhiều hoạt động văn hóa - du lịch về ban đêm hơn nữa”.
 
Tâm sự của anh Tùng cũng là tâm sự của rất nhiều người dân khác trên địa bàn TP. Ðiện Biên Phủ, nhất là những bạn trẻ đã có dịp được đi tham quan du lịch nhiều nơi. Họ đều mong muốn có điều gì mới lạ, hấp dẫn để buổi tối ở phố núi bớt nhàm chán hơn. Nhìn ở góc độ khác, việc phát triển kinh tế ban đêm còn mang lại thêm nhiều cơ hội kinh doanh, tạo việc làm cho người lao động, nhất là những hộ kinh doanh nhỏ lẻ. Thực tế, khách du lịch là người từ nơi khác đến, có nhu cầu rất lớn tìm hiểu đời sống văn hóa, sinh hoạt của những vùng đất mới. Trong khi quỹ thời gian rất ngắn nên họ luôn phải tranh thủ, ngoài thời gian ban ngày thì có thể tận dụng cả ban đêm. Nhiều khách du lịch chia sẻ sẵn sàng hi sinh thời gian ngủ nghỉ buổi tối để tham gia các hoạt động giải trí, trải nghiệm nếu các hoạt động đó đủ hấp dẫn. Có thể thấy rằng, nhu cầu những sản phẩm du lịch về đêm của cả người dân và du khách đang là rất lớn. Nhưng đáng tiếc, việc phát triển kinh tế ban đêm trên địa bàn TP. Ðiện Biên Phủ dường như vẫn đang bị lãng quên…
 
Cần mô hình phù hợp
 
Ngược thời gian về thời điểm năm 2012, TP. Ðiện Biên Phủ đã từng xây dựng và đưa vào hoạt động “Phố chợ đêm Mường Thanh” với mục tiêu trả lời cho câu hỏi của du khách: Ăn gì, chơi ở đâu vào ban đêm tại Ðiện Biên Phủ. “Phố chợ đêm Mường Thanh” được bố trí trên tuyến đường Nguyễn Chí Thanh (đường 15m) với tổng chiều dài là 580m, với gần 90 gian hàng lưu động và trên 160 hộ đang kinh doanh thương mại và các loại hàng dịch vụ khác. Hoạt động của phố chợ đêm được mở từ 20 giờ đến 23 giờ 30 phút các ngày trong tuần. Thế nhưng qua mấy tháng hoạt động thì “Phố chợ đêm Mường Thanh” dần “chết yểu”. Nguyên nhân được xác định là khi đưa vào hoạt động phát sinh nhiều vấn đề bất cập về an ninh trật tự, cuộc sống của người dân trên đoạn đường họp chợ bị đảo lộn… Mặt khác, khi mới đưa vào hoạt động được người dân tham gia hưởng ứng nên việc kinh doanh thuận lợi. Nhưng qua một thời gian cơ cấu mặt hàng không đổi mới, sản phẩm mang tính truyền thống rất ít nên việc kinh doanh của các hộ bị ảnh hưởng. Vậy nên, hoạt động của “Phố chợ đêm Mường Thanh” không hiệu quả, không thể tiếp tục duy trì…
 
Thất bại của “Phố chợ đêm Mường Thanh” cho thấy, dù nhu cầu lớn, nhiều tiềm năng nhưng vẫn cần phải có mô hình phù hợp với thực tế địa phương thì mới có thể phát triển kinh tế ban đêm hiệu quả. Ðể có thể xây dựng được mô hình này, không chỉ cần có sự vào cuộc của các cấp, ngành liên quan mà còn cần có sự đóng góp ý kiến của cả người dân - những người trực tiếp tham gia và hưởng lợi từ hoạt động kinh tế ban đêm. Còn theo Trưởng phòng Kinh tế TP. Ðiện Biên Phủ Hoàng Văn Thiêm, việc phát triển lại chợ đêm trên địa bàn hiện nay là khá khó khăn bởi còn “vướng” ở nhiều chỗ. Một phần do khó khăn trong việc bố trí mặt bằng mở chợ đêm. Phần khác là chưa nhận được sự đồng thuận của người dân nơi ở những nơi đã và dự định mở chợ đêm. Trong những năm tới, phát triển thương mại, dịch vụ là động lực chính đóng góp cho tăng trưởng kinh tế của TP. Ðiện Biên Phủ, trong đó, phát triển kinh tế ban đêm rất cần thiết. Ðể làm được điều này, TP. Ðiện Biên Phủ tiếp tục rà soát dành quỹ đất cho xây dựng mạng lưới chợ gắn với hoạt động chợ đêm, từng bước xóa bỏ chợ tạm; chỉnh trang xây dựng, nâng cấp các chợ trên địa bàn thành phố… Ðồng thời, khuyến khích các hộ dân sản xuất mặt hàng lưu niệm từ các ngành nghề thủ công truyền thống, như: Thêu, dệt thổ cẩm, đan lát mây tre, các sản phẩm OCOP… để phục vụ phát triển du lịch.
 
Diệp Chi
Nguồn: Báo Điện Biên Phủ