Thanh Hóa: Bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa, danh thắng

Cập nhật:19/11/2020 14:18:30
UBND tỉnh Thanh Hóa vừa phê duyệt Quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị hệ thống di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh (di tích) trên địa bàn Tp. Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa.
 
Cầu Hàm Rồng - Tp. Thanh Hóa (ảnh minh họa)
 
Quy hoạch nhằm bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của hệ thống di tích trên địa bàn toàn Tp. Thanh Hóa trở thành nguồn nội lực để phát triển của Thành phố thông qua việc thiết lập chuỗi các sản phẩm du lịch tham quan, nghiên cứu, sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng; tạo thành các điểm đến hấp dẫn đối với nhân dân và du khách trong, ngoài tỉnh. Đồng thời tạo cơ sở pháp lý cho công tác quản lý nhà nước về di sản văn hóa đối với hệ thống di tích của Tp. Thanh Hóa.
 
Mục tiêu đưa ra định hướng, kế hoạch, lộ trình cho việc quản lý, bảo quản, tu bổ và phát huy giá trị di tích, lập hồ sơ đề nghị xếp hạng, nâng hạng; lựa chọn những di tích có giá trị tiêu biểu, có khả năng thu hút khách du lịch và đang bị hư hại xuống cấp để ưu tiên lập dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi, lập hồ sơ xếp hạng hoặc nâng hạng; đề xuất các giải pháp, cơ chế chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích trên địa bàn Tp. Thanh Hóa mang tính tổng quát và theo chuẩn mực quốc gia.
 
Giai đoạn 2020 - 2025 sẽ lập đồ án quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị đối với 02 cụm di tích Núi Bàn A - núi Đọ (gồm khu khảo cổ núi Đọ, chùa Vồm, núi Bàn A, đền Dương Đình Nghệ, đền Hạ, đình Thanh Dương) và núi An Hoạch (gồm lăng quận Mãn, núi Vọng Phu, đình Thượng, chùa Hinh Sơn, chùa Quan Thánh, núi Nấp, địa điểm Thanh niên xung phong); tu sửa cấp thiết cho 20 di tích, tu bổ chống xuống cấp cho 16 di tích, tu bổ phục hồi, tôn tạo cho 57 di tích chưa xếp hạng. Giai đoạn 2026 – 2030 sẽ lập quy hoạch bảo tồn, tu bổ và phát huy giá trị đối với cụm di tích Thái Miếu nhà Hậu Lê - núi Kỳ Lân (gồm Thái miếu nhà Hậu Lê, đình Quảng Xá, chùa Đại Bi, núi Kỳ Lân, chùa Bạch Hạc, núi Mật Sơn); tu bổ chống xuống cấp cho 16 di tích, tu bổ phục hồi, tôn tạo cho 56 di tích (trong đó có 50 di tích chưa xếp hạng) và các hạng mục kiến trúc còn lại thuộc 35 điểm di tích khác. Định hướng phân vùng các di tích trên địa bàn Tp. Thanh Hóa thành 8 vùng trọng điểm, đồng thời đưa ra các giải pháp để phát triển du lịch trên cơ sở xây dựng các sản phẩm du lịch tham quan, nghiên cứu lịch sử - văn hóa tìm về cội nguồn; du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, tham quan làng nghề…
 
Đình Phong
Nguồn: Báo Du lịch