Đồng Nai: Cù lao quanh phố

Cập nhật:01/10/2021 17:49:41
Ít có tỉnh thành nào lại có nhiều cù lao quanh phố như tỉnh Đồng Nai. Không chỉ là nơi sinh sống các hộ dân, lưu giữ những giá trị lịch sử, văn hóa lâu đời, những cù lao còn góp phần làm nên nét đặc trưng riêng cho từng địa phương và là điểm du lịch lý thú cho du khách…
 
Một góc cù lao Hiệp Hòa, TP Biên Hòa
 
Cù lao Hiệp Hòa là địa chỉ mà bất cứ người dân TP Biên Hòa (Đồng Nai) nào cũng biết. Sử sách thành Biên Hòa còn lưu, nơi đây là chốn đô hội, là thương cảng sầm uất, có vai trò đặc biệt trong tiến trình mở cõi phương Nam. Dải đất sa bồi gần 700 ha được bao bọc bởi hai nhánh sông Đồng Nai. Người có công khai phá và đưa vùng đất lau sậy này trở thành thương cảng lớn của vùng là Tổng binh Trần Thượng Xuyên. Ông cũng được xem là người có công mở cõi vùng đất này.
 
Cù lao Hiệp Hòa ngày nay còn lưu nhiều ngành nghề, nhiều công trình kiến trúc, văn hóa, tâm linh thời mở cõi. Đó là nghề làm gốm đất đen (Hóa An, Bửu Hòa), điêu khắc đá (Bửu Long); những công trình lịch sử, văn hóa tín ngưỡng lâu đời như: Chùa Đại Giác, đền thờ Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh, miếu Quan Đế. Theo Sở Văn hóa, Thể thao và du lịch tỉnh, tại cù lao Hiệp Hòa có 3 di tích lịch sử cấp quốc gia, 1 di tích cấp tỉnh, 11 ngôi đình, đền và 40 ngôi mộ cổ. Các công trình này được bảo tồn, trùng tu thường xuyên.
 
Trong quy hoạch phân khu của tỉnh Đồng Nai, toàn bộ phường Hiệp Hòa sẽ trở thành điểm nhấn mang tính biểu tượng cho TP Biên Hoà. Không gian kiến trúc được quy hoạch hài hòa với không gian cảnh quan sông nước và môi trường sinh thái. Các công công trình, văn hóa đặc trưng bảo tồn và phát huy cùng với các công trình đô thị đương đại.
 
Cùng với cù lao Hiệp Hòa, cù lao Tân Triều (huyện Vĩnh Cửu), cũng là địa điểm nổi tiếng với thương hiệu bưởi đường lá cam thứ danh. Dù nằm trên địa bàn huyện Vĩnh Cửu nhưng cù lao Tân Triều chỉ cách trung tâm TP Biên Hoà có vài km nên nhiều người thường lầm tưởng cù lao thuộc địa phận thành phố. Trong không khí trong lành, thoáng mát; cùng với nhiều đặc sản làm từ quả bưởi ở cù lao Tân Triều du khách chắc chắn sẽ có những trải nghiệm khó quên khi đến thăm nơi đây.
 
Xuôi dòng Đồng Nai xuống miệt Long Thành, Nhơn Trạch, Thống Nhất còn có nhiều cù lao khác như: Ba Xê, Tam An, Đại Phước, Cỏ. Trong đó, cù lao Ba Xê thuộc phường Long Bình Tân là điểm cuối trong hành trình tour du lịch sinh thái sông mà tỉnh Đồng Nai xây dựng. Cù lao Ba Xê quy mô 27ha được ví như miền Tây thu nhỏ ở Đồng Nai. Nơi đây có vườn cây ăn quả, có đồng ruộng, có công trình tâm linh. Ẩm thực đặc trưng nhất ở cù lao Ba Xê chính là chuột đồng, thủy sản. Người dân địa phương xem chuột đồng là món ăn ngon, bổ, rẻ, mà không phải nơi nào cũng có. Thủy sản quanh cù lao Ba Xê có nhiều loại, trong đó tôm càng xanh, cá nâu, cá đối, cá phèn.
 
Để bảo tồn và phát triển các cù lao quanh TP Biên Hòa, năm 2018, tỉnh Đồng Nai đã mở tuyến du lịch đường sông từ bến tàu (đối diện chợ Biên Hòa) qua cù lao Hiệp Hoa, làng bè Tân Mai, cù lao Cỏ đến cù lao Ba Xê. Trong đó, Cù lao Ba Xê được chọn là đích đến cho du khách tham quan và trải nghiệm các dịch vụ sinh thái sông nước như: Bắt cá, chèo thuyền và thưởng thức ẩm thực. Tuyến du lịch này sẽ góp phần phát triển kinh tế cho người dân các cù lao, tạo điểm nhấn cho TP Biên Hòa và du lịch Đồng Nai.
 
Đại diện Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Hoàng Gia Bảo, chủ đầu tư dự án du lịch đường sông ở TP Biên Hòa cho biết, giai đoạn 1 của tuyến đã đi vào hoạt động. Thời điểm mở cửa, trạm có 7 ca nô du lịch, mỗi chiếc chở tối đa 25 khách, giá dao động từ 128-425 ngàn đồng/người tùy vào số lượng khách đăng ký. Lộ trình từ bến tàu tại công viên Nguyễn Văn Trị - chùa Ông (TP Biên Hòa) - chùa Phước Long (quận 9, TP Hồ Chí Minh) - chạy vòng quanh cù lao Ba Xê - làng bè Tân Mai rồi trở về điểm xuất phát. Giai đoạn 2 triển khai từ bến tàu, trạm dừng chân ở phường Bửu Long đến bến đò Hiếu Liêm (huyện Vĩnh Cửu).
 
Cùng với sự phát triển của đô thị, những cù lao quanh phố tại Đồng Nai cũng ít nhiều thay đổi so với trước kia. Những làng nghề truyền thống hay cả những ngôi nhà cổ đang dần mai một và mất đi. Tuy nhiên, với sự nỗ lực của chính quyền địa phương và tâm huyết của của những người dân bản địa, các cù lao quanh phố vẫn giữ được những bản sắc riêng, xanh mát, yên bình bên dòng sông Đồng Nai.
 
Bài và ảnh: Kim Lộc
Nguồn: qdnd.vn