Vĩnh Phúc: Phát triển du lịch gắn với các sự kiện văn hóa, thể thao

Cập nhật:12/10/2021 11:02:16
Có tiềm năng, thế mạnh về phát triển du lịch, lại được khai thác bài bản trong thời gian qua đã giúp Vĩnh Phúc tạo được thương hiệu trên bản đồ du lịch Việt Nam và thế giới. Tuy nhiên, để gìn giữ và phát triển thương hiệu thì việc quảng bá thông qua những sự kiện văn hóa, thể thao có tầm cỡ sẽ mang lại cơ hội quý cho sự phát triển của ngành Du lịch tỉnh.
 
Khu sinh thái Nam Tam Đảo đang hình thành với hệ thống sân Golf đẳng cấp. Ảnh: Khánh Linh
 
Tiềm năng có... nhưng còn bỏ ngỏ
 
Vĩnh Phúc có nhiều tiềm năng về du lịch để khai thác có hiệu quả. Từ địa hình núi, hồ, các nhà đầu tư đã tận dụng kết hợp tạo ra nhiều khu nghỉ dưỡng, môn thể thao đẳng cấp như Golf tại Tam Đảo, Đại Lải, Đầm Vạc và tới đây là Thanh Lanh.
 
Lợi thế về địa hình, Sân Golf Tam Đảo còn có hệ thống lưu trú, các biệt thự đẳng cấp được thiết kế độc đáo theo từng phong cách riêng biệt; cùng với cảnh quan, hồ bơi nên thơ hòa cùng núi non hùng vĩ, khí hậu dễ chịu khiến nơi đây trở thành điểm lý tưởng để kết hợp nghỉ dưỡng, thể thao.
 
Sân Golf Tam Đảo đã được nhiều thành viên, “tay golf” chuyên nghiệp trong nước đánh giá là một trong những sân golf có địa hình theo kiểu phức tạp, khó chơi… nhưng càng tạo được sự ham thích khám phá, chinh phục của người chơi. Vì vậy, ngoài các “member” (thành viên lâu năm) thì những người yêu thích môn thể thao này cũng bị thu hút.
 
Địa hình từ thành phố Vĩnh Yên lên tới thị trấn Tam Đảo cũng là thế mạnh cho môn thể thao đạp xe; hay hồ Đại Lải, thành phố Phúc Yên cũng thích hợp cho môn đua thuyền… và rất nhiều tiềm năng cho các môn thể thao, giải trí khác.
 
Ngoài ra, Khu danh thắng Tây Thiên, Quảng trường Hồ Chí Minh, Nhà hát tỉnh, Văn Miếu tỉnh... cũng là những điểm có thể tạo ra cơ hội để quảng bá thế mạnh du lịch của tỉnh.
 
Vĩnh Phúc là vùng đất giàu bản sắc văn hóa trong “dòng chảy” của văn minh sông Hồng hàng nghìn năm, qua những chứng tích lịch sử khảo cổ, khoa học, văn hóa tâm linh - tín ngưỡng đến văn hóa ẩm thực, văn nghệ dân gian; cùng nhiều anh em các dân tộc sinh sống như Dao, Cao Lan, Sán Dìu… với truyền thống đặc sắc qua tiếng nói, trang phục, lễ hội, trò chơi gian dân, ẩm thực… và hàng nghìn di tích lịch sử văn hóa, tâm linh trên địa bàn còn được lưu giữ đến ngày nay.
 
Tiềm năng là vậy, nhưng sức khai thác còn hạn hẹp, khiến du lịch Vĩnh Phúc bị bỏ qua nhiều cơ hội lớn. Điểm lại một số sự kiện hiếm hoi mà Vĩnh Phúc được đăng cai trong những năm gần đây: Ngày hội văn hóa các dân tộc vùng Đông Bắc; Tuần Văn hóa - Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc và Hưởng ứng Năm Du lịch quốc gia đồng bằng Sông Hồng; Liên hoan hát văn, hát chầu văn toàn quốc; Giải vô địch Cung thủ xuất sắc toàn quốc; Giải đua thuyền Cúp Canoeing toàn quốc; Giải Bóng chuyền hạng A toàn quốc cúp FLC…
 
Qua các sự kiện này, dù tổ chức thành công, an toàn, nhưng chưa đem lại tiếng vang lớn và thu hút được nhiều khách du lịch. Thậm chí, với cách tổ chức còn khiêm tốn, Vĩnh Phúc chỉ dừng lại ở “thành công trên quy mô nhỏ”.
 
Trong khi đó, tỉnh Tuyên Quang “hàng xóm” kế bên hằng năm, chỉ với chương trình “Lễ hội Trung thu” tưởng chừng nhỏ nhưng với cách làm bài bài, đầu tư nguồn kinh phí lớn đã thu hút hàng vạn du khách thập phương và có sức lan tỏa.
 
Hay “Festival Hoa Đà Lạt”, “Lễ hội đèn lồng” - Hội An cũng đã gây được tiếng vang lớn, để lại ấn tượng đặc sắc khiến khách du lịch trong nước và thế giới biết đến khá nhiều.
 
Thay đổi từ tư duy và hành động
 
Trước hết, từ tiềm năng tới nội lực, Vĩnh Phúc có thể đăng cai tổ chức các sự kiện lớn về văn hóa, thể thao, nhưng tại sao lại không nhận được nhiều sự kiện quy mô thực sự?
 
Theo Giám đốc Sở VHTTDL Bùi Hồng Đô: “Trước đây, chúng ta chưa thu hút được các sự kiện lớn bởi nhiều nguyên nhân, trong đó, chưa thực sự nhận thức sâu sắc về tầm ảnh hưởng của nó và có các “phép tính” rõ ràng. Thực tế, lồng ghép từ các sự kiện văn hóa, thể thao có thể quảng bá du lịch một cách hiệu quả; hay những chương trình du lịch nếu tổ chức quy mô sẽ đem lại hiệu ứng tích cực”.
 
“Quen trông dạ, lạ trông áo quần” - các cụ ta nói không sai, ấn tượng ban đầu qua hình thức, văn hóa ứng xử, nét đẹp hào nhoáng sẽ là điểm mạnh gây sức hút. Du lịch cũng vậy, qua các sự kiện dù lớn hay nhỏ, cách tổ chức, đầu tư bài bản, thẩm mĩ, chiều sâu sẽ là bước đệm, là điều kiện tiên quyết để hấp dẫn du khách.
 
Thay đổi tư duy, nhận thức đúng từ các cấp, các ngành, địa phương về hiệu quả qua việc tổ chức các sự kiện - không chỉ là nhất thời mà có sức ảnh hưởng khá mạnh mẽ; từ đó, có thể tham mưu trúng, hiệu quả cho tỉnh.
 
Đồng thời, tỉnh cũng cần quan tâm, dành nguồn kinh phí cho hoạt động này, thậm chí tạo “quỹ” riêng hằng năm, ngoại giao tốt để “kéo về” địa bàn những sự kiện có tầm ảnh hưởng. Chú trọng xây dựng chiến lược cụ thể cho những chuỗi sự kiện theo từng năm.
 
Cũng theo Giám đốc Sở VHTTDL Bùi Hồng Đô: “Chúng ta phải “tính lãi” dài hơi từ các sự kiện và đặc biệt là phải chịu đầu tư, chấp nhận bỏ ra một nguồn kinh phí đáng kể thì mới đạt được hiệu quả, mang lại nguồn thu lâu dài cho tỉnh”.
 
Thay đổi tư duy và hành động, Vĩnh Phúc tự tin sẽ phục hồi du lịch thành công trong thời gian sớm nhất khi dịch Covid-19 ổn định trên cả nước, đồng thời, đẩy mạnh thương hiệu sang trọng, đẳng cấp trên bản đồ du lịch Việt Nam và thế giới.
 
Thu Thủy
Nguồn: Báo Vĩnh Phúc