Tuần Giáo (Điện Biên) đánh thức tiềm năng du lịch

Cập nhật:14/10/2021 11:09:20
Tuần Giáo (tỉnh Điện Biên) là huyện có nhiều tiềm năng để phát triển các loại hình du lịch như: Du lịch sinh thái, du lịch lịch sử, du lịch cộng đồng. Và trong thực tế, một số tiềm năng, thế mạnh bước đầu đã được khai thác, góp phần giúp huyện thu hút hàng chục nghìn du khách đến tham quan, du lịch mỗi năm. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân nhiều tiềm năng, thế mạnh du lịch của huyện chưa được khai thác, phát huy hiệu quả. Chính vì vậy, để đánh thức tiềm năng du lịch, huyện Tuần Giáo còn rất nhiều vấn đề cần quan tâm thực hiện.
 
Du khách chụp ảnh lưu niệm tại Khu du lịch sinh thái Pha Đin Pass
 
Huyện Tuần Giáo nằm ở cửa ngõ Đông Nam của tỉnh với nhiều lợi thế về địa lý, giao thông. Huyện có nhiều tuyến giao thông huyết mạch chạy qua Quốc lộ 6, Quốc lộ 279. Đây là yếu tố hết sức quan trọng để thúc đẩy phát triển du lịch trên địa bàn. Cùng với đó, huyện có nhiều danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử cùng bản sắc văn hóa các dân tộc phong phú, đa dạng có thể khai thác phục vụ du lịch.
 
Trên cơ sở xác định những tiềm năng, lợi thế sẵn có, huyện Tuần Giáo đã xây dựng, ban hành các chương trình, kế hoạch phát triển du lịch và có những bước đi cụ thể. Đến nay, lĩnh vực du lịch của huyện đã có bước phát triển nhất định.
 
Toàn huyện hiện có 20 cơ sở lưu trú đạt tiêu chuẩn khách sạn và nhà nghỉ với 250 buồng, phòng; Trên 20 nhà hàng ăn uống, dịch vụ vui chơi giải trí. Trước khi bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, trung bình mỗi năm huyện đón từ 30.000 - 40.000 lượt du khách đến tham quan, trải nghiệm. Trong giai đoạn vừa qua, huyện cũng đã xây dựng quy hoạch chi tiết khu du lịch Suối khoáng nóng bản Sáng xã Quài Cang; Thu hút đầu tư xây dựng 2 khu du lịch sinh thái khu vực đèo Pha Đin.
 
Hai khu du lịch sinh thái Pha Đin Pass và Pu Pha Đin đã tạo thêm những điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong hành trình đến tham quan, khám phá đèo Pha Đin huyền thoại. Trước đây, du khách thường dừng chân trên đèo để tìm hiểu về lịch sử của tuyến đường huyết mạch vận chuyển lương thực, súng đạn chi viện cho bộ đội ta tại chiến trường Điện Biên Phủ hay khám phá vẻ đẹp hoang sơ, hùng vĩ của những cung đường đèo. Nay du khách có thêm lựa chọn là dừng chân lâu hơn để nghỉ ngơi, hòa mình vào thiên nhiên, hoa cỏ và thưởng thức ẩm thực, tham gia chương trình văn nghệ hay hoạt động trải nghiệm tại các khu du lịch sinh thái.
 
Qua đèo Pha Đin, du khách đã đến với các bản làng của huyện Tuần Giáo. Huyện có diện tích tự nhiên gần 114 nghìn ha, với nhiều dân tộc cùng sinh sống, trong đó chủ yếu là các dân tộc Thái, Mông, Kháng, Khơ Mú, Phù Lá.v.v.
 
Mỗi dân tộc đều có bản sắc riêng với những nét văn hóa truyền thống độc đáo từ nhà ở, trang phục, ẩm thực đến các làn điệu dân ca, dân vũ, nhạc cụ, nghề thủ công truyền thống. Đây chính là những tiềm năng có thể khai thác để phục vụ du lịch văn hóa. Trong thời gian qua nhiều nghi lễ, lễ hội truyền thống của các dân tộc được bảo tồn, khôi phục. Đó là lễ hội Xên bản của dân tộc Thái, lễ hội dòng họ của dân tộc Mông.
 
Đặc biệt, cuối tháng 4 vừa qua, Lễ hội Xên Pang Phóng, tức Lễ tạ ơn của dân tộc Kháng, xã Rạng Đông đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Việc giữ gìn, khôi phục các nghi lễ, lễ hội truyền thống nói riêng, các nét văn hóa truyền thống nói chung đã góp phần mở ra cơ hội đa dạng hóa các sản phẩm du lịch thu hút du khách. Đó chính là những điều kiện cần để huyện tổ chức xây dựng các mô hình du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng. Trên địa bàn huyện Tuần Giáo hiện cũng có một số bản đáp ứng được các điều kiện phát triển du lịch cộng đồng như: Bản Sáng, xã Quài Cang, bản Hua Sa A xã Tỏa Tình, bản Bó xã Chiềng Đông, bản Chiềng Chung, thị trấn Tuần Giáo.v.v.
 
Mặc dù có nhiều tiềm năng, thế mạnh nhưng do nhiều nguyên nhân huyện Tuần Giáo vẫn chưa khai thác, phát huy được các tiềm năng này để phục vụ phát triển du lịch. Xã Chiềng Đông, một xã mới chia tách từ xã Chiềng Sinh. Xã có nhiều thôn bản như bản Bó, bản Nôm, bản Chăn với phong cảnh hữu tình dựa lưng vào những dãy núi đá vôi, phía trước là những dòng suối hiền hòa và cánh đồng xanh mướt lúa, ngô. Trên địa bàn xã cũng có hai hang động được xếp hạng di tích Quốc gia là hang Thẳm Khương và hang Thẳm Púa. Trong đó, Hang Thẳm Khương là một di tích khảo cổ, từng là nơi cư trú của người nguyên thủy với các di vật đá, xương, răng động vật, bếp nguyên thủy.
 
Tương tự như vậy, tại hang Thẳm Púa cũng phát hiện hàng trăm di vật, cộng cụ lao động của người tiền sử. Đặc biệt hơn, hang Thẳm Púa còn là nơi đặt Sở chỉ huy đầu tiên của Chiến dịch Điện Biên Phủ. Bởi vậy, từ lâu rất nhiều du khách muốn đến với di tích này để tìm hiểu lịch sử và khám phá thiên nhiên, hang động. Nằm ngay dưới chân núi đá vôi Pú Hồng Cáy, thuộc địa phận bản Nôm vậy nhưng phải mất một hồi lâu chúng tôi mới đến được di tích này.  
 
Tình trạng của di tích hang Thẳm Púa là thực trạng chung của các di tích, danh lam thắng cảnh trên địa bàn huyện Tuần Giáo. Hiện nay, trong số các di tích, danh lam thắng cảnh đã được công nhận cấp tỉnh, cấp Quốc gia, huyện Tuần Giáo mới thực hiện đầu tư giai đoạn 1 khu tưởng niệm anh hùng Vừ A Dính  và các liệt sĩ thuộc khu căn cứ cách mạng Pú Nhung với kinh phí trên 6 tỷ đồng.
 
Còn các di tích, danh lam thắng cảnh khác như: Hang Thẳm Púa; Hang động Mùn Chung; Di tích cấp Quốc gia Danh lam thắng cảnh hang động bản Khá; Hang Há Chớ xã Pú Nhung mới chỉ được khoanh vùng bảo vệ, hầu như chưa đầu tư, khai thác. Trong khi đó việc đầu tư, kêu gọi đầu tư cho công tác bảo tồn, xây dựng các di tích, danh lam thắng cảnh này thành điểm du lịch của huyện gặp rất nhiều khó khăn.
 
Trong định hướng phát triển du lịch đến năm 2025, tầm nhìn đến 2030, huyện Tuần Giáo đặt mục tiêu: Xây dựng 4 bản văn hóa du lịch; đón từ 50 - 80 nghìn khách du lịch/năm. Phấn đấu đưa Tuần Giáo trở thành một trong những điểm du lịch hấp dẫn của tỉnh Điện Biên với các sản phẩm du lịch có chất lượng, mạng đậm bản sắc văn hóa các dân tộc.
 
Để đạt được các mục tiêu đã đề ra, huyện xác định: Tiếp tục huy động nguồn lực, kêu gọi đầu tư cơ sở vật chất đối với các di tích đã được xếp hạng; Tập trung xây dựng các bản văn hóa du lịch theo mô hình du lịch cộng đồng; Bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc.v.v.. Từ đó, khai thác, phát huy được các tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch góp phần tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương./.
 
Chu Linh - Trọng Lâm
Nguồn: Dienbientv.vn