Du lịch Sơn La qua những áng văn chương

Cập nhật:21/11/2023 13:52:38
Vùng đất Sơn La với phong cảnh núi non hùng vĩ, hữu tình, cùng nền văn hóa đa sắc tộc đã trở thành nguồn cảm hứng vô tận cho những sáng tác văn học để đời. Những áng thơ, văn gắn với miền đất, lịch sử và con người Sơn La, hình thành sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn riêng có.
 
Di tích lịch sử lưu niệm Trung đoàn 52 Tây Tiến, huyện Mộc Châu. Ảnh: PV
 
PGS.TS Bùi Thanh Hoa, Trường đại học Tây Bắc, chia sẻ: Du lịch văn học là một hình thức du lịch văn hóa, dựa trên hành trình tham quan, tham dự những địa điểm và sự kiện liên quan đến nguồn tài nguyên văn học (bao gồm các tác giả và tác phẩm văn chương), cung cấp những thông tin, trải nghiệm, xúc cảm văn học, đáp ứng nhu cầu của đối tượng du khách có hiểu biết và quan tâm đến văn học.
 
Với những đặc điểm hết sức đặc biệt về địa thế và văn hóa, Sơn La đã để lại dấu ấn sâu đậm đối với các tác giả lớn của nền văn học Việt Nam hiện đại với nhiều tác phẩm ấn tượng. Đó chính là nguồn tài nguyên vô cùng quý giá để phát triển du lịch văn hóa, loại hình du lịch đang có xu hướng lên ngôi trong bối cảnh 4.0, đáp ứng nhu cầu của du khách về những trải nghiệm ấn tượng dẫn dắt cảm xúc cá nhân.
 
Một trong những tác phẩm văn học nổi tiếng, lấy cảm hứng từ miền đất, con người Sơn La, là bài thơ “Tây Tiến” của nhà thơ Quang Dũng. Bài thơ được gắn với những địa danh đã trở thành điểm đến hút khách của Mộc Châu, như: đỉnh Pha Luông, Di tích lịch sử lưu niệm Trung đoàn 52 Tây Tiến...
 
Tiến sĩ Lường Hoài Thanh, Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa các dân tộc Tây Bắc, Trường đại học Tây Bắc, cho biết: Nhóm nghiên cứu của trường đã có bài viết “Du lịch văn học: Trường hợp bài thơ Tây Tiến và những quang phổ ở huyện Mộc Châu”. Trong đó, đã đưa ví dụ một bài phân tích “Vẻ đẹp của Mộc Châu qua bài thơ Tây Tiến” nhằm giới thiệu đến du khách về miền đất, con người Mộc Châu gắn với hình tượng được nhắc đến trong bài thơ “Tây Tiến”.
 
Thông qua việc phân tích bài thơ để dẫn dắt cảm xúc của du khách với những dẫn chứng cụ thể từ chính những địa danh có thật được nhắc đến trong “Tây Tiến”. Đồng thời, đưa ra một số giải pháp định hướng khai thác du lịch văn học của Mộc Châu gắn với bài thơ bằng cách xây dựng nội dung thuyết minh tại Nhà lưu niệm Tây Tiến theo hướng số hóa; xây dựng tour du lịch trải nghiệm “Theo dấu chân người lính Tây Tiến” cùng với địa danh Pha Luông, suối hoa và hội đuốc hoa; biên soạn sách ảnh “Vẻ đẹp Mộc Châu trong văn chương” tập hợp những tác phẩm văn học giới thiệu về vùng đất Mộc Châu, giá trị của những di tích và danh thắng.
 
Tại Bắc Yên, địa danh nổi tiếng với tác phẩm văn học bất hủ “Vợ chồng A Phủ” của nhà văn Tô Hoài cũng đang dần khai thác tiềm năng để làm cơ sở phát triển du lịch địa phương. Lễ hội trên quê hương vợ chồng A Phủ năm 2023 tổ chức tại xã Hồng Ngài với nhiều hoạt động sôi nổi đã thu hút đông đảo du khách gần xa đến trải nghiệm và khám phá miền đất nơi rẻo cao này.
 
Ông Bùi Ngọc Thắng, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Bắc Yên, cho biết: Lễ hội trên quê hương vợ chồng A Phủ nhằm bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc, xây dựng điểm đến hấp dẫn gắn với di tích hang A Phủ và hình thành các điểm du lịch vệ tinh trong quy hoạch du lịch sinh thái tại Bắc Yên. 
 
Không chỉ có vậy, Sơn La còn được nhắc đến trong nhiều tác phẩm văn học hiện đại với những địa danh, con sông, con suối, hình tượng hóa về văn hóa, con người, mảnh đất nơi đại ngàn Tây Bắc mà mỗi khi nhắc đến lại gợi lên biết bao cảm xúc trong lòng người đọc, cùng sự biết ơn sâu sắc với những tác giả đã dành tình cảm sâu nặng với quê hương Sơn La.
 
Đó là hành trình bắt đầu từ “Tây Tiến” để đắm mình trong khung cảnh tráng lệ, kỳ vĩ cùng những xúc cảm của người lính thời kháng chiến khi đi qua Mộc Châu mờ sương. Đến Hua Tát (Cò Nòi, Mai Sơn) trong truyện ngắn “Những ngọn gió Hua Tát” của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, thấy được sự đổi thay của miền đất mà tác giả đã dành trọn tình cảm và gieo niềm tin, hy vọng cho đồng bào Thái nơi đây. Tiếp tục hành trình để gặp “Mị và A Phủ” (Hồng Ngài, Bắc Yên), hiểu về những con người vùng cao vượt qua nghịch cảm để tìm đến ánh sáng của cách mạng. Kết thúc bằng “Người lái đò sông Đà” của Nguyễn Tuân để một lần nữa khắc sâu hình ảnh miền đất Sơn La với con sông Đà “hung bạo và trữ tình”.
 
Hành trình ấy không chỉ mang đến trải nghiệm thú vị mà còn là những cảm xúc thăng hoa, chạm đến trái tim của mỗi lữ khách. Đó cũng là sản phẩm du lịch mới cần khai thác đúng hướng để góp phần đưa du lịch Sơn La phát triển xứng tầm với tiềm năng và lợi thế.
 
Thanh Đào
Nguồn: Báo Sơn La Online - baosonla.org.vn