Đà Nẵng: Mở rộng thị trường khách quốc tế

Cập nhật:18/01/2024 09:33:24
Bên cạnh thị trường khách quốc tế truyền thống, ngành du lịch thành phố Đà Nẵng nỗ lực mở rộng, thu hút thêm các thị trường khách mới bằng cách hợp tác, tạo điều kiện đón các đơn vị lữ hành quốc tế đến khảo sát, kết nối dịch vụ với các doanh nghiệp địa phương.
 
Doanh nghiệp lữ hành Indonesia tại Đà Nẵng trong chuyến khảo sát thị trường từ ngày 08 đến ngày 12/01. Ảnh: T.H
 
Điểm đến đa dạng, phong phú
 
Đầu năm 2024, Đà Nẵng liên tục đón các đoàn lữ hành quốc tế từ các quốc gia trong khu vực đến khảo sát, trải nghiệm các dịch vụ của địa phương như: đoàn 35 thành viên là đại diện các doanh nghiệp lữ hành đến từ nhiều thành phố của Indonesia do Sở Du lịch phối hợp với Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, Hiệp hội Lữ hành Indonesia Astindo tổ chức từ ngày 08 đến ngày 12/01; đoàn 60 đại diện lãnh đạo các công ty lữ hành Philippines do Hiệp hội Du lịch Quảng Nam phối hợp với Công ty Du lịch Duy Nhất Đông Dương tổ chức (từ ngày 07 đến ngày 11/01)… Các đoàn đến Đà Nẵng đã đi trải nghiệm các dịch vụ du lịch trọng điểm của Đà Nẵng như Khu du lịch Sun World Bà Nà Hills, chùa Linh Ứng (bán đảo Sơn Trà), cầu Rồng, cầu Tình yêu, biển Đà Nẵng; Di tích quốc gia đặc biệt danh thắng Ngũ Hành Sơn, Bảo tàng Điêu khắc Chăm…
 
Lần đầu tiên đến Đà Nẵng và đi trải nghiệm các dịch vụ, bà Dr. Leilani C.Agana, Giám đốc Công ty Lữ hành Master World (Philippines) bày tỏ sự ngạc nhiên về thành phố Đà Nẵng có hạ tầng giao thông tốt, có nhiều điểm đến đa dạng, phong phú… “Chúng tôi được lưu trú tại những khách sạn sang trọng, trải nghiệm các ẩm thực địa phương ngon, độc đáo. Vì thế sau chuyến đi này, chúng tôi sẽ xây dựng tour và chào bán các sản phẩm đến Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung tới người dân Philippines”, bà Leilani chia sẻ.
 
Bà Pauline Suharno, Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Indonesia - Astindo cũng đánh giá Đà Nẵng là một thành phố rất đẹp. Sau Covid-19, các chuyến bay quốc tế và nội địa tại Indonesia đã phục hồi hơn 90% và nhu cầu đi du lịch tăng đáng kể với lựa chọn các điểm đến mới, các chương trình du lịch có tổ chức và du lịch cao cấp. Do đó, các doanh nghiệp lữ hành sẽ xây dựng các sản phẩm phù hợp với thị hiếu của người Indonesia. Bà Pauline Suharno cho biết, Indonesia là thị trường đông dân với hơn 280 triệu người, trong đó có khách đạo Hồi. Tuy nhiên thị trường khách đạo Hồi từ Indonesia không quá khắt khe, khi điểm đến có các dịch vụ gắn nhãn Halal-friend sẽ khuyến khích khách sử dụng dịch vụ nhiều hơn.
 
Nhiều “chất liệu” để xây dựng sản phẩm du lịch
 
Theo Giám đốc Công ty Du lịch Duy Nhất Đông Dương Nguyễn Sơn Thủy, bên cạnh các thị trường khách quốc tế đang khai thác hiện nay, nhiều doanh nghiệp đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, hợp tác mở rộng các thị trường khách quốc tế trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Philippines… Để thu hút các thị trường khách này thì trước tiên phải quảng bá được sản phẩm tới các doanh nghiệp lữ hành, đơn vị khai thác dịch vụ của đất nước sở tại. Do đó, việc tổ chức các đoàn famtrip sẽ tạo điều kiện doanh nghiệp đi khảo sát, trải nghiệm dịch vụ, cảm nhận rõ nét về các sản phẩm du lịch của Đà Nẵng nói riêng, miền Trung Việt Nam nói chung. Từ đó, doanh nghiệp đối tác kết nối với doanh nghiệp địa phương, xây dựng các sản phẩm du lịch phù hợp và quảng bá, bán cho người dân tại đất nước họ. Ông Thủy thông tin thêm, đối với các thị trường đã có đường bay thẳng, doanh nghiệp có thể xây dựng sản phẩm tour 3 ngày 2 đêm, 4 ngày 3 đêm hoặc 5 ngày 4 đêm… Vì Đà Nẵng và khu vực miền Trung có rất nhiều “chất liệu” để xây dựng các sản phẩm du lịch có thể đáp ứng đa dạng nhu cầu của du khách như du lịch khám phá, du lịch trải nghiệm, du lịch ẩm thực, du lịch golf, du lịch văn hóa bản địa…
 
Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng Cao Trí Dũng chia sẻ, hiệp hội rất ủng hộ việc các đoàn lữ hành quốc tế đến Đà Nẵng khảo sát, trải nghiệm các dịch vụ của địa phương. Các thị trường đã có đường bay thẳng thì việc xây dựng sản phẩm sẽ có nhiều thuận lợi. Còn với các thị trường nối chuyến, thuê chuyến thì các đoàn khảo sát giống như những người đi “mở đường”. Sau khi đi, trải nghiệm, biết được các dịch vụ của nơi sẽ đưa khách đến, các doanh nghiệp về xây dựng các sản phẩm phù hợp với nhu cầu của người dân đất nước họ. Đa số các đối tác sau khi đi khảo sát đều đánh giá rất cao điểm đến Đà Nẵng và hứa hẹn sẽ hình thành sản phẩm cụ thể.
 
“Với một số điểm đến chưa có đường bay như thị trường Indonesia thì sẽ bán qua các đường bay nối chuyến, thuê chuyến… Khi lượng khách đủ lớn thì sẽ thuyết phục các hãng hàng không mở đường bay trực tiếp và doanh nghiệp du lịch rất hy vọng sẽ sớm có thêm đường bay từ thị trường mới này. Để đón đầu các thị trường mới, trong đó có thị trường Indonesia, thành phố đã có sự chuẩn bị cả về lưu trú, dịch vụ, hướng dẫn viên (tiếng Indonesia)... để đáp ứng tốt nhất nhu cầu của khách”, ông Cao Trí Dũng cho biết.
 
Theo đại diện lãnh đạo Sở Du lịch, với định hướng đa dạng hóa thị trường khách quốc tế, thời gian tới ngành du lịch thành phố sẽ cơ cấu lại và mở rộng xúc tiến các thị trường tiềm năng. Sở sẽ tổ chức nghiên cứu thị trường, nắm bắt những xu hướng du lịch mới để có hình thức xúc tiến, quảng bá phù hợp với từng thị trường và sản phẩm điểm đến; phối hợp với doanh nghiệp du lịch, các hãng hàng không để xúc tiến, khôi phục và phát triển các đường bay quốc tế trực tiếp đến Đà Nẵng...
 
Thu Hà
Nguồn: Báo Đà Nẵng Online - baodanang.vn