Hưng Yên: Phát huy giá trị các di tích gắn với phát triển du lịch

Cập nhật:01/03/2024 16:48:04
Những ngày đất trời vào xuân, dạo quanh các di tích nổi tiếng ở thành phố Hưng Yên (tỉnh Hưng Yên) như: Văn Miếu Xích Đằng, chùa Chuông, đền Trần, đền Mẫu… có thể cảm nhận rõ không khí vui tươi, nhộn nhịp khi các đoàn khách khắp nơi về đây thưởng ngoạn, chiêm bái, cầu điều tốt lành cho năm mới.
Ông Đỗ Ngọc Bảo, du khách tỉnh Quảng Ninh chia sẻ: Tôi có ấn tượng rất tốt khi về thăm các di tích tại thành phố Hưng Yên. Đầu xuân năm nào tôi cũng cùng người thân về đây du lịch, chiêm bái các đền, chùa. Mỗi lần về, đều thấy thành phố có thêm các nét mới hiện đại hơn, song vẫn giữ được vẻ bình yên, nét văn hiến lâu đời.
 
Theo chia sẻ của nhiều du khách thập phương khi về thành phố Hưng Yên, họ thường đến thăm đền Mẫu đầu tiên. Đền Mẫu có tên chữ là Hoa Dương Linh Từ, là một trong những di tích thuộc Khu di tích quốc gia đặc biệt Phố Hiến. Đền toạ lạc bên bờ hồ Bán Nguyệt thuộc phường Quang Trung. Qua các triều đại, đền Mẫu được trùng tu, tôn tạo nhiều lần nhưng vẫn giữ được nét đẹp cổ kính, giữ được màu xanh của những tán cây trăm tuổi. Cứ vào dịp đầu năm, đền Mẫu tấp nập người ra vào, hương trầm toả ngát. Kiến trúc đền mang đậm phong cách thời Nguyễn, nhiều hạng mục như: Nghi môn, Đại bái, Cung đệ Nhất, Cung đệ Nhị, Cung đệ Tam, Hậu cung, Phủ Đông, Phủ Tây, Lầu Cô… Các công trình đều được làm bằng gỗ lim, chạm khắc hoa văn tinh xảo với nhiều đề tài như hoa dây, hổ phù, đao mác, hoa văn kỷ hà, tứ linh, tứ quý, có giá trị mỹ thuật cao. Tại đây, du khách còn được chiêm ngưỡng nhiều cổ vật, đồ thờ quý rất có giá trị như: Bộ long sàng, long kỷ, cỗ kiệu bát cống, thất cống... Lễ hội đền Mẫu diễn ra vào tháng 3 âm lịch, với nhiều hoạt động nhằm bảo lưu những giá trị truyền thống như: Tế lễ, rước kiệu, múa lân, múa rồng, rước nước… và nhiều trò chơi dân gian độc đáo.
 
Thành phố Hưng Yên hiện nay có 200 di tích lịch sử văn hóa và kiến trúc nghệ thuật (trong đó có 1 Khu di tích quốc gia đặc biệt Phố Hiến, 20 di tích xếp hạng quốc gia). Đặc biệt,16 di tích trong Khu di tích quốc gia đặc biệt Phố Hiến là sự kết tinh và giao thoa giữa phong cách kiến trúc thuần Việt, kiến trúc Trung Hoa và kiến trúc theo kiểu phương Tây, có giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật đặc sắc, là điểm nhấn cho phát triển du lịch ở thành phố Hưng Yên. Ngay trong tháng đầu năm 2024, mỗi ngày, các di tích ở thành phố Hưng Yên đón hàng nghìn lượt khách tới tham quan, chiêm bái.
 
Đông đảo du khách đến tham quan, chiêm bái  tại khu di tích đền Trần, đền Mẫu
 
Để tiếp tục bảo tồn, phát huy giá trị của Khu di tích quốc gia đặc biệt Phố Hiến cũng như quần thể di tích, thành phố Hưng Yên tiếp tục huy động các nguồn lực để bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị đô thị cổ Phố Hiến, gắn với phát triển du lịch. Cùng với đó quan tâm đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, hạ tầng du lịch, thương mại; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch.
 
Nổi bật trong việc xã hội hoá trong trùng tu, tôn tạo các di tích, tháng 10/2023, Ban Quản lý Khu di tích quốc gia đặc biệt Phố Hiến tổ chức khánh thành trùng tu, tôn tạo đền Cửu Thiên Huyền Nữ. Đền Cửu Thiên Huyền Nữ là một trong 16 di tích thuộc Khu di tích quốc gia đặc biệt Phố Hiến. Đền Cửu Thiên Huyền Nữ còn gọi là đền Bắc Hòa hay Cửu Thiên cung, thuộc phường Lê Lợi. Đền thờ Đức Thánh Cửu Thiên Huyền Nữ Chân Quân, là vị thánh có công giúp đỡ Nhân dân trong lúc hoạn nạn, nguy nan, được Nhân dân tôn làm Thành hoàng. Đền được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ XVII, ngôi đền mang đậm phong cách kiến trúc cuối thời Nguyễn. Năm 2023, ngôi đền được trùng tu, tôn tạo với tổng kinh phí khoảng 4 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa.
 
Ngày 18/12/2023, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2718/QĐ-UBND về việc phê duyệt Dự án tu bổ, tôn tạo quần thể di tích lịch sử và kiến trúc quốc gia đặc biệt Phố Hiến. Theo đó, tu bổ, tôn tạo nhằm chống xuống cấp, phát huy giá trị các kiến trúc gốc có giá trị lịch sử và kiến trúc nghệ thuật đã được xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt; góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, văn hóa vùng đất Phố Hiến; nâng cao đời sống văn hóa, vật chất, tinh thần cho người dân địa phương và du khách đến chiêm bái. Tổng mức đầu tư là 120 tỷ đồng, thực hiện trong giai đoạn 2023 – 2025. Quy mô đầu tư tu bổ, tôn tạo công trình thuộc các khu di tích: Di tích đền Trần, đền Mẫu, Văn Miếu Xích Đằng, đền Mây, đình An Vũ, đình - chùa Hiến.
 
Ngày 20/01/2021, Thành uỷ Hưng Yên ban hành Chương trình Phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch thành phố Hưng Yên giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó mục tiêu trọng tâm là đẩy mạnh phát triển du lịch, trải nghiệm văn hoá gắn với du lịch tâm linh, thu hút khách nội địa và khách quốc tế. Phấn đấu mỗi năm thành lập mới 50 doanh nghiệp trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch. Doanh thu du lịch tăng trưởng trên 10%/năm. Từng bước số hóa xây dựng hệ thống thông tin về các di tích, di sản văn hóa, nâng cao giá trị và tiềm năng của di tích, di sản văn hóa trong cộng đồng.
 
Tin tưởng rằng, với nhiều chương trình, dự án cụ thể và nhiều hoạt động thiết thực, các di tích ở thành phố Hưng Yên sẽ ngày càng thu hút du khách, đưa thành phố Hưng Yên trở thành điểm đến hấp dẫn.
 
Vi Ngoan
Nguồn: Báo Hưng Yên điện tử - baohungyen.vn