Cả thế giới theo xu hướng “mở cửa đón khách”

Cập nhật:06/05/2016 14:58:09
Đơn giản hóa thủ tục nhập cảnh là xu hướng chung trên thế giới trong những năm vừa qua và trong tương lai khách du lịch sẽ còn được tạo nhiều điều kiện đi lại thuận lợi. Việc quá khắt khe trong chính sách thị thực hiện nay của Việt Nam khiến khả năng thu hút khách quốc tế đến so với các nước trong khu vực còn nhiều thua kém.

Theo Báo cáo về mức độ mở cửa liên quan đến thị thực nhập cảnh, tỷ lệ khách du lịch quốc tế cần thị thực nhập cảnh vào điểm đến quy mô toàn thế giới đã giảm từ 77% năm 2008 xuống còn 61% năm 2015. Đối với khu vực châu Á và Thái Bình Dương, năm 2015, khoảng 20% dân số toàn cầu không cần thị thực, 23% có thể được cấp thị thực tại cửa khẩu, 11% có thể được cấp thị thực điện tử.

Đáng lưu ý, theo Chỉ số hạn chế nhập cảnh toàn cầu năm 2016, công dân các nước Đức, Anh, Pháp, Tây Ban Nha và Italia thuộc nhóm 10 nước được nhiều nước miễn thị thực nhất trên thế giới với khoảng hơn 170 nước. Đây cũng là những nước được Việt Nam miễn thị thực trong thời hạn 1 năm (từ 1.7.2015- 30.6.2016).

Hiện nay, các nước trong khu vực Đông Nam Á tiếp tục có những chính sách đơn giản hóa thủ tục nhập cảnh hơn nữa để tăng cường thu hút khách du lịch. Ví dụ, để đạt mục tiêu đón 20 triệu lượt khách du lịch quốc tế vào năm 2019, từ đầu tháng 3.2016, Indonesia miễn thị thực thêm cho công dân 79 quốc gia, vùng lãnh thổ, nâng tổng số quốc gia, vùng lãnh thổ có công dân được miễn thị thực lên 169. Trong năm 2015, Indonesia quyết nâng cao khả năng cạnh tranh với các nước trong khu vực khi mở rộng danh sách các nước được miễn thị thực từ 15 lên 90 nước.

Các quốc gia khác cũng đã mở rộng cửa đón khách quốc tế: Philippines đã miễn thị thực cho 165 nước, Malaysia miễn 164 nước, Singapore miễn cho 160 nước, Thái Lan miễn 61 nước, Lào miễn thị thực cho công dân 40 nước, Campuchia miễn cho 25 nước.

Trong khi đó, cho tới nay Việt Nam mới chỉ miễn thị thực cho công dân của 22 quốc gia, trong đó: miễn song phương cho 9 nước thành viên ASEAN (miễn 30 ngày, riêng Brunei 14 ngày); miễn đơn phương cho 7 nước đến hết năm 2019 không quá 15 ngày (Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, Na Uy, Phần Lan, Thụy Điển, Đan Mạch); miễn thị thực cho công dân Belarus tới hết 30.6.2020 và miễn đơn phương cho 5 nước Tây Âu (Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Italia) đến hết 30.6.2016, đều không quá 15 ngày. Việc chủ trương phát triển du lịch như một ngành kinh tế mũi nhọn nhưng chính sách thị thực lại có phần khắt khe so với các nước trong khu vực hiện nay đã phần nào làm ảnh hưởng đến thu hút đầu tư và khách quốc tế đến Việt Nam.

Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) và Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới (WTTC) đưa ra khuyến cáo: Khách du lịch coi thị thực như một thủ tục áp đặt chi phí, bao gồm chi phí trực tiếp là lệ phí thị thực và các chi phí gián tiếp như khoảng cách, thời gian chờ đợi và mức độ phức tạp của quy trình cấp thị thực. Khi những chi phí này vượt quá ngưỡng thì khách du lịch tiềm năng có thể sẽ chọn điểm đến thay thế hoặc không thực hiện chuyến đi nữa.

Trong Sách trắng 2015, các chuyên gia EuroCham cũng cho rằng: Việt Nam cần linh hoạt và đơn giản hơn nữa khi áp dụng chính sách thị thực thông qua việc mở rộng danh mục các quốc gia được miễn thị thực và cấp thị thực điện tử, cấp tại cửa khẩu, giảm lệ phí thị thực (hiện cao thứ 2 châu Á). Thời hạn miễn thị thực 15 ngày đang áp dụng là không đủ với nhiều khách quốc tế mà cần tăng lên 30 ngày…

Thúy Hà

Nguồn: Báo Văn hóa